Vị chua nhẹ thanh mát của sữa chua kết hợp cùng vị nồng thơm đượm đà của nếp cẩm đã tạo nên món ăn khiến ai cũng phải mê. Món yaourt nếp cẩm nhìn có vẻ cầu kỳ thế thôi nhưng cách làm lại vô cùng dễ nhé. Bạn có thể tự làm món ăn này tại nhà chỉ với vài nguyên liệu đơn giản. Dưới đây là hướng dẫn cách làm Yaourt nếp cẩm “bất bại” dành cho bạn!
Nguyên liệu làm Yaourt nếp cẩm
Để làm sữa chua nếp cẩm thì định lượng không cần quá chính xác, bạn có thể tùy chỉnh phụ thuộc theo khẩu vị của bản thân. Tuy nhiên, cần lưu ý khử trùng và để khô toàn bộ dụng cụ trước khi làm để tránh làm hỏng men sữa chua nhé! Bạn cần chuẩn bị một số nguyên liệu sau để làm được khoảng 20 cốc sữa chua cho cả gia đình:

- Gạo nếp cẩm: 500 gram.
- Đường kính trắng: 100 gram.
- Nước cốt dừa: 100 ml.
- Muối tinh: 1 thìa cà phê.
- Sữa tươi không đường: 1 lít.
- Sữa đặc ông thọ: 1 lon.
- Lá nếp: 3 lá.
- Sữa chua: 2 hộp (chọn loại không đường và loại tốt để lên men tốt hơn).
Hướng dẫn làm sữa chua thơm ngon chuẩn vị
Khâu quan trọng nhất trong tất cả các cách làm yaourt nếp cẩm chính là làm sữa chua. Thành phẩm cho ra cần có độ đông đặc vừa phải, không bị rỗ hay tách nước và trên hết là phải có độ chua tự nhiên.
Bước 1: Trộn nguyên liệu
Đầu tiên, bạn trộn sữa tươi không đường và sữa đặc vào cùng nhau, khuấy nhẹ cho tan đều. Tiếp đó bạn nên đun sữa đến khoảng 80 – 85 độ C và để nguội về khoảng 40 độ rồi mới dùng. Việc đun nóng này nhằm sắp xếp lại các protein trong sữa và tiệt trùng một số vi khuẩn có hại, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình lên men.
Tiếp đó, bạn cho men cái (sữa chua đã chuẩn bị trước) vào khi sữa đã để nguội bớt và đảo nhẹ. Men sẽ hoạt động tốt nhất trong nhiệt độ từ 32 – 48 độ C, do đó, bạn nên có một chiếc nhiệt kế để đo nhiệt độ hỗn hợp trong suốt quá trình ủ nhé.

Bước 2: Ủ sữa chua
Bước quan trọng nhất trong khi làm sữa chua là ủ. Có nhiều cách ủ khác nhau như dùng lò nướng, dùng nồi cơm điện, lò vi sóng, thùng xốp, nồi áp suất, hoặc nếu trời nắng hoặc bạn cũng có thể phơi sữa dưới nắng. Chỉ cần đạt được yêu cầu giữ ấm từ 32 – 48 độ C để men hoạt động là ổn. Thời gian ủ có thể rơi vào từ 4 đến 24 tiếng tùy theo nhiệt độ ủ, lượng men và thành phần trong sữa. Tuy nhiên việc ủ lâu có thể khiến sữa chua bị nhớt, do đó bạn nên cố gắng canh chỉnh nhiệt độ chính xác để ủ trong thời gian khoảng từ 5 – 10 tiếng thôi nhé.

Bước 3: Bảo quản lạnh
Sau khi sữa chua đã đạt yêu cầu, bạn xếp từng lọ vào tủ lạnh để bảo quản dùng dần. Việc làm lạnh sữa sẽ giúp cho quá trình lên men chậm lại, giữ cho sữa không bị chua quá và có thể để được lâu (sữa chua có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 2 – 3 tuần, nếu dùng để làm men cho mẻ tiếp theo thì trong khoảng 1 tuần).

Nấu nếp cẩm sao cho đúng cách
Sữa chua đã xong, giờ thì đến một loại thành phần không thể thiếu. Đó chính là nếp cẩm. Để đỡ mất thời gian thì bạn nên ngâm gạo nếp cẩm từ đêm hôm trước là hôm sau có thể sử dụng để nấu ngay rồi. Thời gian tối thiểu cần ngâm gạo là 6 tiếng. Sau đó bạn chỉ cần cho nếp cẩm và một lượng nước sâm sấp mặt gạo vào nấu. Khi nếp cẩm đã có độ dẻo và gần chín, bạn có thể cho thêm đường, muối, lá nếp cùng nước cốt dừa vào đun thêm để có vị thơm ngậy.

Hai nguyên liệu trong cách làm yaourt nếp cẩm “bất bại” của chúng ta đã xong, giờ thì chỉ cần trộn đều và thưởng thức thôi! Sữa chua nếp cẩm không chỉ là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, giúp làm đẹp da, cải thiện cho tiêu hóa mà còn là một món ăn “cực đã” cho mùa hè nữa đó. Cách làm vô cùng dễ như thế thì bạn còn ngại ngần gì mà không làm ngay 1 mẻ để chiêu đãi cả gia đình nào?